…Nếu có một cái entry nào bằng tiếng Việt, như thể cái entry này,
thì nó quan trọng với tớ lắm lắm …
Có một buổi chiều, cô đến lớp. Cái lớp thứ hai cô làm chủ nhiệm. Chúng nghịch ngợm đấy, lười học đấy, nhưng cô yêu chúng vô điều kiện. Cô sẵn sàng đến với chúng bằng tất cả tình thương, nhiệt huyết và cả sức trẻ của mình…
Chưa bao giờ cô không mỉm cười. Nụ cười của cô, chưa bao giờ tắt, lung linh và rực rỡ, như cái nắng mùa hè, tỏa sáng… Cô là người lái đò, là người dẫn đường, là người truyền cảm hứng…
Vậy mà hôm nay, trên bục giảng, cô…
khóc
Cuộc sống, chảy trôi, và không ngừng nghỉ… Nó lao đi, lao vút đi, vào khoảng không bất tận…
Con người, dường như cũng như lao nhanh hơn, xô bồ, và khắc nghiệt.. Người ta mải miết, vì công việc, vì học hành, vì miếng cơm và manh áo, vì những công việc xa giao bất tận và mệt mỏi… Người ta chạy theo những giá trị của đồng tiền, chạy theo cái uy lực của đồng tiền, ngày qua ngày, và mải miết…
Chiều nay, cô khóc…
Có ai đong đầy những tình cảm chất chứa trong cô…
Cô cảm thấy thất vọng về chính bản thân cái lớp mà cô đang chủ nhiệm. Cô cảm thấy mệt mỏi. Cô thấy những gì học sinh thể hiện, học sinh phản ứng không xứng đáng với những tâm huyết, công sức mà cô bỏ ra. Cô cảm thấy vô lý, khi cô không được đền đáp xứng đáng.
Cô đau lòng khi những đứa trẻ kia chẳng hề muốn lớn lên, vẫn còn dựa dẫm và phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ. Cô thương công sức của những bậc làm cha, làm mẹ một nắng hai sương lăn lội bỏ tiền ra cho con ăn học, những mong con thành người…
Và cô đã nói những điều tâm huyết nhất, tất cả những gì cô mong mỏi, là đạo lý, là cuộc sống đã dạy cho cô và giờ đây cô muốn những đứa con của mình thay đổi…
Và, cô khóc…
Có những người thầy, người cô đi qua ta không chút cảm xúc dù chỉ mơ hồ nhất. Người đó lướt ngang qua ta, và ta có thể nói với họ bằng giọng điệu chẳng ra gì ngay khi họ bước ra khỏi bục giảng…
Lại có những người thầy, người cô, đi ngang qua mảnh đời ta, và ngự trị…
Đó là người cô tần tảo nuôi nấng ta mỗi ngày. Lo cho ta từng bát cơm, từ chuyến xe đi về ngày nắng cũng như đến cái áo mưa ngày mưa khi ta còn nhỏ…
Đó là người thầy hiểu ta từ tận đáy lòng. Người ta có thể chia sẽ những cảm xúc thật sự và chờ đợi ở người đó một sự cảm thông và chia sẻ…
Là người thầy ở lò luyện thi. Khi cái nóng, cái bức làm mồ hôi thầy chảy ra đẫm áo, thầy vẫn không nề hà những mong những đứa con thơ lớn lên thành tài… Những bài kiểm tra khiến ta sợ thầy bao nhiêu, thì văn của thầy, thấm nhuần vào ta, từng ấy… Bởi học Văn, là học làm người…
Và cô, cô là người thầy mà em sẽ mãi mãi kính trọng…
Bỗng nhớ về một câu nói quen thuộc, một lời đề tựa, một cài đầu đề, cũng không nhớ rõ nữa, rằng: “Thưa thầy, con đã chưa ngoan”…
Nhớ về cảm giác của Tôt-tô-chan khi lần đầu tiên gặp thầy Kô-ba-y-a-si và những năm tháng khi thầy Kô-ba-y-a-si ân cần dạy dỗ Tôt-tô-chan khôn lớn, trưởng thành…
Nhớ về bài hát “Bụi phấn” bình thường ta nghe chẳng mấy cảm xúc. Bỗng nhiên vỡ òa khi được hát vào ngày bế giảng ra trường…
Và rồi để ta nhớ lại tiếng của thầy Thắng trong câu truyện ngắn cùng tên với câu mà thầy đã nhắc nhở, với học sinh mà thầy yêu thương nhất: “To live to to fight” – Sống là phải chiến đấu, trước tiên là chiến đấu với chính bản thân mình…
Học cách lắng nghe vô cùng quan trọng…
Sáng nay có thằng bé dư chấn đau đầu ốm yếu mệt mỏi từ tối hôm trước, đã ở nhà và tự dọn cho mình cái nơi mà nó đang ngồi học mỗi ngày…
Rồi tự lên cho mình một cái thời gian biểu mới… Cái thời gian biểu mà mình sẽ sống có ích hơn…
Rồi mở bài ra và học những bài học mà bao công sức cô đã đổ xuống…
Biết cách lắng nghe, và cả thấu hiểu nữa…
Hà Nội, 1 giờ đêm 21.08.2009
47 giờ sau khi thấy những giọt nước mắt của cô…
Xin lỗi cô, em đã chưa ngoan…