18.11.10


Photobucket



Diemen, Hà Lan, những ngày chớm đông, 3 độ C,…
Nếu như mùa thu thường gợi nhắc trong ta một nỗi buồn man mác bởi những màu, những màu; thì đông đến luôn khiến con người ta thường trực những nỗi nhớ - những nỗi nhớ khôn nguôi, dai dẳng và thường trực. Nỗi nhớ đó có thể là về gia đình, bè bạn,cũng lại có thể là về lớp cũ, trường xưa. Nỗi nhớ về một ngôi trường mang tên tiểu học Nguyễn Trung Trực nằm trên con phố cùng tên ở Hà Nội nhỏ bé luôn luôn ở một góc khuất, sâu trong tâm hồn của một thanh niên mới đầy 20 tuổi - là tôi - và tất nhiên, cũng chưa bao giờ khôn nguôi…


Nỗi nhớ mang tên 
Tiểu học Nguyễn Trung Trực



Có một sự thật nên nói ra ở đây, rằng mới đầu, khi mới bắt tay vào phần­ ý tưởng, thực sự tôi bị rối bởi chẳng biết nên chia sẻ về bất cứ điều gì khi có quá nhiều điều mà tôi muốn chia sẻ. Thế nhưng, ngay khi bắt tay vào viết những dòng chữ này, không như tôi nghĩ, những câu, những từ cứ thế tuôn ra, cứ thế trào ra từ trong tiềm thức. Nhiệm vụ của đôi tay tôi lúc này, đơn giản là làm theo những gì mà trái tim và tiềm thức của tôi mách bảo. Đơn giản, những ngày tháng thơ ngây, trong sáng của tuổi học trò, sống và học tập và vui chơi bên mái trường cổ kính luôn luôn hiện hữu, trở đi trở lại trong tôi…


Một ngày đi học của tôi ngày ấy thường bắt đầu vào lúc 6 giờ 15 sáng. Tôi vẫn nhớ ngày xưa nhà tôi có một chiếc đồng hồ “con gà” - đồng hồ do Trung Quốc sản xuất, phải lên dây cót để hoạt động, thường khá bất tiện song tiếng báo thức là tiếng gà gáy lại rất to - để báo thức mỗi sáng cho tôi dậy đi học. Cái lý do tôi nhớ về cái đồng hồ ấy, đơn giản là tôi vẫn nhớ mang máng trong những bài tập làm văn mà tôi viết khi ấy, có đôi lần tôi vẫn hay nói về hình tượng gà gáy sáng sớm đi học - “Ò ó o o… Chú gà trống đã gáy sáng báo hiệu cho em đến giờ đi học”. Chiếc đồng hồ cũ kĩ đó, trải qua bao năm tháng, giờ tôi cũng biết liệu nó có còn nằm lại trong kho của nhà hay không hay đã trở nên lạc hậu với cuộc sống hiện đại hiện tại. Thế nhưng có một điều cần chắc chắn rằng, hình ảnh về chiếc đồng hồ gà trống báo thức mỗi buổi sáng luôn là một hình tượng dung dị mà tôi sẽ luôn ghi nhớ mãi.


Nhà tôi ngày ấy không xa trường lắm. Thực tình, đến bây giờ tôi cũng không nhớ rõ hồi ấy mình mất bao lâu để đi đến trường. Nếu nói ở thời hiện tại cách đây 4 tháng, chắc tôi chỉ mất khoảng tầm 5 phút phóng xe máy hay 15 phút đi bộ để đi từ nhà cũ đến trường. Song để nói về thời gian mà mình đã trải qua, với đôi chân ngắn bé tí từ thời tiểu học, câu trả lời của tôi cần nhiều sự gợi nhớ và cân nhắc.


Bạn đồng hành của tôi trên con đường tới trường ngày ấy, không ai khác chính là bạn Minh Trang, lớp trưởng lớp 5A niên khóa 2000 – 2001 và bạn Phương Linh, hay ở nhà tôi vẫn quen gọi là bạn Kẹo cho thêm phần thân thiện. Cô bạn cao kều, người đoạt danh hiệu Miss Kao của báo Hoa học trò sau này, Đỗ Phương Dung cũng là một trong những bạn đồng hành trên con đường đi tới trường của tôi ngày ấy. Bọn trẻ con là chúng tôi ngày ấy luôn ríu rít trên con đường đi đến trường - cười nói, trò chuyện - khiến con đường trở nên gần thêm. Con đường đi đến trường, với tôi, hầu hết tràn ngập những nụ cười. Lý do tôi sử dụng từ “hầu hết” ở đây, không phải vì tôi có những ngày khổ đau trên con đường đó. Song đơn giản, trên con đường đó, vẫn ghi dấu trong tôi những giọt nước mắt, giọt nước mắt ngày tạm biệt cô Ngân chuyển đơn vị công tác, giọt nước mắt dành cho thầy cô ngày chào tạm biệt, cả khi một con ngựa đau - khi bạn Kim Ngân với đôi chân tím tái lại vào những ngày đông cũng khiến chúng tôi không cầm được nước mắt về niềm thương cảm. Chợt nghĩ cũng vào độ đông, hi vọng chân bạn Kim Ngân sẽ không đau trong mùa đông này…


Viết về ngôi trường của mình, ấn tượng đầu tiên khó phai nhòa trong tôi chính là chiếc cổng trường và bác Cường bảo vệ. Mang tên vị tướng lỗi lạc dưới thời Pháp với câu nói bất hủ trước khi anh dung hi sinh “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, cổng trường tôi vốn là cổng chính để vào điện thờ tướng Nguyễn Trung Trực. Cổng trường cũng như điện thờ tướng Nguyễn Trung Trực được xây dựng vào năm nào, bản thân tôi cũng chẳng nhớ rõ. Chỉ nhớ duy nhất có một điều, là trong tâm hồn trẻ thơ non trẻ của chúng tôi ngày ấy, thậm chí đến cả bây giờ, chiếc cổng trường vàng xưa cũ vẫn đã, đang và sẽ luôn mang trong mình dáng dấp của một cái gì đó hết sức cổ kính, trầm mặc mà bản thân chúng tôi ngày ấy, cứ mỗi khi hướng tầm nhìn về phía cổng trường, kể cả từ hướng phố Yên Phụ cũng như từ hướng phố Hàng Than nhìn vào, đều cảm thấy ấm lòng.


Năm chúng tôi học ở đây, trường cũng đã bắt đầu bắt tay vào việc cải thiết chất lượng cơ sở vật chất nhằm đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu dạy và học của học sinh và giáo viên trong trường. Tôi vẫn còn nhớ như in những tòa nhà phía bên trái cổng trường ngày ấy, lúc tôi mới vào trường, năm tôi học lớp 2, vẫn còn bóng dáng của những ngôi nhà cổ kính với vàm ngói đỏ, uốn lượn rồng phượng. Phòng của ban giám hiệu cũng thuộc một trong những ngôi nhà như thế, ngay phía bên trái từ cổng trường đi vào, to lớn và uy nghi. Không chỉ như vậy, lối đi giữa phòng ban giám hiệu và lớp học cổ kính mà tôi đã nhắc đế ở trên là một lối đi nhỏ và hẹp, thông giữa sân trường và khu phòng bếp cũng như phòng vệ sinh của toàn trường. Tôi không biết chắc liệu các em học sinh bây giờ còn có cảm giác của tôi ngày ấy hay không, nhưng chúng tôi ngày ấy, nhất là đối với bọn học trò lớp 3C niên khóa 1998 - 1999, dãy hành lang nhỏ, dài và sâu, khi hai bên là những tòa nhà xưa cũ cùng với điện thờ tướng Nguyễn Trung Trực ở ngay trong một lớp học phía bên trái lối đi, luôn mang lại cho chúng tôi sự hiếu khích, sự bí ẩn trong suy nghĩ con trẻ.


Nhắc đến điện thờ tướng Nguyễn Trung Trực, tôi cũng là người rất may mắn khi được theo học lớp 3C, lớp được học ngay trong phòng học có điện thờ ông. Điện ngăn cách với lớp chúng tôi, bằng một lớp cửa gỗ cao vút đến tận góc nhà. Ngày ấy, khi mới đang còn theo học lớp 3, lớp chúng tôi có khoảng 30 bạn, chia thành 3 hàng song song trước hàng song gỗ ngăn cách với điện thờ. Trí nhớ của tôi bây giờ, cũng không rõ ràng rằng liệu chúng tôi có thể nhìn thấy tượng của tướng Nguyễn Trung Trực phía sau song gỗ hay không, song điều tôi có thể chắc chắn nhất một điều, đó là thái độ nghiêm túc trong học tập của chúng tôi ngày ấy. Hình như các bạn học sinh, đều ý thức được sự thiên liêng của lớp học trong điện thờ, luôn thầm nhắc, luôn tự nhủ bản thân rằng mỗi nét bút, mỗi cử chỉ, mỗi lần giơ tay xung phong phát biểu xây dựng bài, đều được dõi theo bởi một ví tướng lỗi lạc dưới thời kháng chiến chống Pháp, vị tướng mà ngôi trường chúng tôi mang tên với sự kính trọng thiêng liêng nhất, Nguyễn Trung Trực.


Kỉ niệm sâu đậm nhất với chúng tôi ngày ấy, bên cạnh ngày mà chúng tôi, lũ trẻ con lớp 5A niên khóa 2000 – 2001 được vào thắp nén hương, chắp tay cầu mong sự phù hộ một trí óc minh mẫn  cho kì thi học sinh giỏi năm đó, mà chính là ngày chúng tôi, lũ trẻ con lớp 3C chào tạm biệt cô giáo Lê Lưu Ngân trước khi cô chuyển đơn vị công tác sang trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, nằm gần cuối con phố Quán Thánh bây giờ. Tôi vẫn nhớ rõ ngày hôm ấy, khi cô mặc một chiếc áo vest trắng, mái tóc để xõa dài, vậy mà khuôn mặt của cả cô, cả trò, đỏ lự và ngập tràn những giọt nước mắt. Những bánh, những kẹo mà cô mang đến hôm đấy, ngon và hấp dẫn với chúng tôi thật đấy, song cũng chả khiển chúng tôi nguôi ngoai. Sự con trẻ còn lên đến đỉnh điểm, khi tôi cùng Minh Trang đi về nhà, không ngừng trách móc ngôi trường mới mang tên Nguyễn Tri Phương, ngôi trường đã “cướp” mất cô giáo yêu quý của chúng tôi. Thật đúng là những suy nghĩ con trẻ!


Đến năm chúng tôi học lớp 4, chúng tôi được chuyển lên học lớp 4A cùng với cô chủ nhiệm là cô Đoàn Thị Điểm. Lớp học chúng tôi là lớp đầu tiên trong tòa nhà mới, tầng hai phía bên cầu thang phải đi lên. Ngày ấy, lớp học không mấy xa lạ với chúng tôi, khi lúc tôi mới vào trường, theo học lớp 2C của người cô, người mẹ hiền Trương Thị Hiền Hòa, cũng đã được theo học tại đây. Đây cũng là nơi đầu tiên tôi được gặp những người bạn tuyệt vời, những người bạn vàng mà tôi hết đỗi yêu quý ngay cả đến tận bây giờ: là bạn Cẩm Anh chi đội trưởng, xinh xắn, hát hay; là bạn Ngọc Châu - cây văn nghệ xuất sắc trong trường, là bạn Phùng Vân với giọng văn khi nào cũng đầy sâu lắng và hàm súc, luôn là tấm gương trong môn tập làm văn của chúng tôi ngày ấy, là bạn Quang Minh nhỏ nhắn, ngoan hiền, lúc nào cũng bị tôi bắt nạt, hay là bạn Việt Hưng nhỏ bé song mũm mĩn, trực sao đỏ ngoài cổng trường với tôi trong suốt những tháng năm học lớp 4, lớp 5 đáng nhớ… Và còn rất rất nhiều những người bạn vàng khác, có thể kể ra đây bạn Minh Trang và bạn Như Ngọc khi đã, vẫn đang và sẽ làm bạn tốt của tôi, không chỉ 14 năm trời mà chắc chắn sẽ còn hơn như thế nữa…


Chúng tôi sống và học tập với nhau trong suốt hai năm liền, cùng theo nhau lên học lớp 5A của cô giáo Hồng Ngọc Liên. Đối với tôi cũng như đối với các bạn đồng môn của mình, được sống và học tập ở lớp 5A nói riêng và mái trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, có thể nói là quãng thời gian đẹp nhất, trong sáng nhất, thơ ngây nhất của lứa tuổi cắp sách tới trường.
Riêng bản thân tôi, đến tận giờ phút này, khi đã ở cách xa Hà Nội, thế nhưng trong những giấc mơ của mình, hình ảnh về những điều dung dị, nhỏ bé cứ trở đi, trở lại để rồi mỗi khi tôi lần giở lại, đọng lại trong tôi luôn là những kí ức khó có thể nào phai nhòa… Những giấc mơ có chiều dài mười chín nghìn cây số…


Chắc chắn, tôi sẽ còn nhớ mãi về cô gái Trương Thị Hiền Hòa. Cô hơn là một người thầy, một người mẹ. Bản thân tôi, tôi tự biết rằng mình còn có lỗi với cô rất nhiều điều, những điều mà không phải trong một sớm một chiều có thể nói hết được. Song sâu thẳm, tôi biết rằng tôi biết ơn cô nhiều điều và cô vẫn luôn là một trong những người cô giáo mà tôi kính trọng nhất.


Trong những giấc mơ của mình, tôi không thể không nhắc đến hình ảnh của cô giáo Hồng Ngọc Liên. Tôi vẫn nhớ như in áng văn của bạn Phùng Vân trong một bài văn tả về cô: “Cô như một người  lái đò, đưa chúng con đến bến bờ hạnh phúc”. Mười năm, một chặng đường, để nhìn lại. Người lái đò năm xưa, thật kì diệu thay, vẫn luôn trẻ trung, vẫn luôn nhiệt tình và thương yêu những lứa học trò của mình. Chắc hẳn, chính tình yêu nghề, tình yêu con trẻ đã giúp cô luôn trẻ mãi.


Giấc mơ của tôi còn trở đi trở lại hình ảnh của những buổi học, những kỉ niệm xưa cũ với chúng bạn. Thật may mắn cho bản thân tôi cũng như toàn thể lớp chúng tôi ngày ấy, lớp chúng tôi có những thành viên vô cùng tích cực, như bạn Minh Trang, như bạn Cẩm Anh. Chính hai bạn đã gắn kết chúng tôi lại, sau 8 năm, sau 9 năm và gần đây nhất, là buổi đi chơi kỉ niệm 10 năm. Những câu chuyện thơ ngây tuổi học trò, luôn được lần giở lại và lũ chúng tôi, có thể ngồi với nhau hàng giờ liền, kể cho nhau nghe về những câu chuyện xưa cũ, những bí mật mà đến gần một thập kỉ sau mới được bộc lộ. Những buổi họp lớp, luôn là rất vui vẻ - tôi thấy hạnh phúc khi đã được sống và học tập cùng với những người bạn tuyệt vời đó.
Và cũng còn rất rất nhiều điều hiện hữu trong những nỗi nhớ, những giấc mơ của riêng mình mà bản thân ở đây tôi không thể liệt kê hết được. Duy chỉ có một điều, một điều chắc chắn, tất cả mọi điều, luôn là rất đẹp.


Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam sắp đến gần, tôi cũng mang trong mình sự xúc động và bồi hồi, dẫu chẳng thể ở gần. Tôi xin kính chúc toàn bộ tập thể các cô giáo và cán bộ công nhân viên trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc viên mãn. Chúc các cô luôn hết lòng, luôn nhiệt tình với sự nghiệp trồng người, ươm những mầm non cho đất nước. Tôi chúc các em học sinh đang theo học tại mái trường tiểu học Nguyễn Trung Trực thân yêu, lời chúc học tốt, học chăm, sống và học tập theo năm điều Bác Hồ dạy. Chúc cho quãng thời gian học tập của các em, luôn vui tươi, hạnh phúc, đúng như những gì mà tôi và hàng ngàn học sinh khác – những người đã từng sống và học tập tại mái trường tiểu học Nguyễn Trung Trực như các em – đã từng có được và mãi ghi nhớ.


Chúc mừng ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, 20.11.2010.



Kính thư,
Nguyễn Thanh Tùng



Du học sinh Việt Nam tại Hà Lan, Đại học khoa học và ứng dụng INHolland.
Diemen, tháng 11 năm 2010.


 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét